Chuyện chưa kể về những bức thư tay

Hôm bữa mình dọn lại tủ sách, mình tìm thấy một hộp bánh quy Danisa bằng sắt dưới gầm bàn. Mở ra xem. À, trong đó mình đựng những bức thư mà gia đình mình viết cho nhau, có những lá thư bạn thân gửi cho mình, có thư của thầy cô giáo thậm chí là của những bạn fan yêu thích trang blog viết gửi cho mình.

Thời đại của internet đã không cần đến những lá thư tay. Nhưng trong gia đình mình, thư tay lại là một phương tiện tình cảm để trao gửi những lời khó nói.

Ba mẹ mình sinh ra là thế hệ Y, minh và em trai lại thuộc hàng thế hệ Z. Khi chúng mình lớn lên, khoảng cách thế hệ và sự khác biệt trong tư tưởng đã khiến mình đôi khi khó chịu với cách nhìn nhận của ba mẹ về một vấn đề. “Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời”, ý thức hệ của con người là sự tích lũy nhiều năm, thậm chí hằng chục năm của hoàn cảnh sống, kinh nghiệm, nghề nghiệp…Mình không cố gắng để thay đổi ba mẹ, mình luôn thể hiện sự tôn trọng và quan điểm của mình rõ ràng, ngắn gọn, với những lí do và dẫn chứng đầy đủ nhất. Người lớn mà, họ luôn có một cái tôi cao vì cho rằng: “Các con còn non và xanh lắm!”.

 

Hồi lớp Bốn, mình vô tình đọc được tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Cuốn sách là nhật kí về hành trình trưởng thành của cậu bé Enrico. Mình xúc động nhất là khi đọc bức thư vào ngày Mười tháng Mười một với tiêu đề “Mẹ tôi”. Bức thư này do bố của Enrico viết cho em khi em đã có thái độ vô lễ với cô giáo khi cô đến thăm nhà. Từng dòng chữ như một lời nhắc nhở nghiêm khắc và chan chứa nỗi buồn của người cha: “Việc như thế không bao giờ con được phạm lại lần nữa, Enrico của bố ạ! Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy! Bố nhớ tới mẹ con, cách đây mấy năm, đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi của con, trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức tiếng khi nghĩ rằng có thể mất con đi!...Nhớ lại điều ấy, bố không thể nén được cơn tức giận…Hãy nghĩ kĩ đến điều này, Enrico à: Trong đời con sẽ có thể trải qua nhũng ngày thật buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất sẽ là ngày con mất mẹ…”. Enrico đã hối hận, em nhận ra sai lầm của mình khi lặng yên đọc hết tâm thư này của bố. Không một lời trách móc, không một lời kêu ca, sức mạnh của giáo dục không nằm ở đòn roi mà nằm ở sự chân thành để cảm hóa những tâm hồn lạc lối.

Đọc xong tác phẩm ấy, mình bắt đầu viết thư cho mẹ. Mình kể cho mẹ nghe những sự thay đổi của thế hệ mình: “Mẹ à, chúng con thời nay đã khác. Chúng con sinh ra ở một đất nước hòa bình, nơi con người không chỉ dừng lại ở việc có áo ấm, cơm no, chúng con cần phải có công nghệ, sáng tạo, dấn thân và cống hiến. Chúng con luôn biết ơn thế hệ đi trước,  nhờ có ông bà, và những thế hệ anh dũng hi sinh, chúng con mới có được ngày hôm nay để được chung sống hòa bình. Quan niệm về hạnh phúc của ba mẹ là có một công việc ổn định, một gia đình tầm trung, như vậy đến hết đời sẽ không còn gì phải nuối tiếc. Nhưng chúng con lại khác, chúng con không chỉ quan tâm đến bản thân mà còn quan tâm đến cộng đồng, chúng con muốn lan tỏa những giá trị tích cực theo cách riêng, để lại một dấu ấn mà chỉ riêng con mới có thể làm được…”. Có những khi mẹ viết vào tờ lịch cũ trả lời mình: “Mẹ xin lỗi vì đã không đủ tốt, không đủ giỏi để giúp các con được sống hạnh phúc hơn”. Mình đã viết lại rằng: “Hạnh phúc không đồng nghĩa với giàu sang mẹ a, nếu bây giờ mẹ đang hạnh phúc, thì đó chính là hạnh phúc”.

Những mảnh giấy note, những tờ lịch cũ cứ thay phiên nhau truyền tải những thông điệp mà mình và ba mẹ không thể trực tiếp chất vấn theo kiểu “dân hỏi bộ trưởng trả lời”.  Ai cũng có cái tôi và trong một cuộc tranh luận, ai cũng muốn giành phần thắng, nhưng sẽ ra sao nếu cả hai bên đều thống nhất được phương thức để bày tỏ quan điểm của mình? Viết trên giấy chính là cách để hai bên cùng ngồi lại suy ngẫm, chỉ là ở hai chiều không gian khác nhau thay vì đối mặt. Thời gian dặt bút viết cũng là lúc những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân được sắp xếp gọn gàng và trật tự. Chẳng may mình có viết những lời gay gắt, mình có thể xé đi viết lại. Chẳng hạn có lẽ viết ra những lời tổn thương, chúng ta cũng có thể cân nhắc.

Với sự phát triển của mạng xã hội, chỉ cần một cú click, một nút enter, tin nhắn của chúng ta sẽ ngay lập tức hiện lên màn hình của người nhận. Đã bao giờ bạn cảm thấy hối hận khi gửi một tin nhắn nào đó? Tốc độ chia sẻ nhanh vừa giúp tiện kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ công việc nhưng cũng là cái bẫy để chúng ta dễ dàng để cảm xúc lấn át, buông ra những lời tổn thương mà chỉ khi ấn “enter”rồi, ta mới ý thức được hậu quả khôn lường của nó.

Thời nay, chúng ta làm gì cũng phải nhanh, phải tiện. Máy tính của bạn bị lag, tải mãi không xong tài liệu, Wifi bị treo cũng có thể khiến bạn bực mình, xe buýt chậm một hai phút, những hàng người dài xếp hàng trong siêu thị cũng khiến bạn thở dài. Bạn cho rằng, chúng ta không thể chờ đợi, chúng ta phải tiết kiệm thời gian. Ngày xưa khi mạng xã hội chưa phát triển, thư tay vẫn là phương tiện giao tiếp phổ biến. Để đến được tay người nhận có lẽ sẽ mất khoảng một tuần, một tháng thậm chí là cả năm.

Hồi ba mình công tác ngoài đảo Trường Sa, khi đó đảo chưa có điện và cột sóng. Mình phải viết thư cho ba khoảng 03-06 tháng khi có đoàn công tác ra thăm đảo, ba sẽ nhận được. Thư của mình được chuyển bằng tàu hỏa từ Hà Nội đến cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) sau đó được chuyển lên tàu ra đảo. Thư tay có một khuyết điểm là chịu ảnh hưởng khá nhiều do độ mặn của nước biển, do độ ẩm lớn nên chữ viết của mình bị nhòe đi kha khá. Về sau mình đã rút kinh nghiệm, dùng bút bi để viết thay vì bút mực (Hồi đó mình học lớp Bốn nên vẫn viết bút mực).

Sự chờ đợi có vô nghĩa như bạn nghĩ không?

Một người lính ba năm xa nhà, họ chờ đợi một cánh thư gửi theo nỗi nhớ.

Một người lính không dùng đến điện thoại, tivi mà chỉ biết làm bạn với rada, hải đăng, súng và nước mắt.

Người lính ấy vẫn sống hạnh phúc với cuộc đời của mình.

Bây giờ và mai sau, mình vẫn muốn viết thư tay để gửi gắm tình cảm đến những người mình yêu thương nhất. Khi nhắn tin trên facebook, bạn có thể nhắn một lúc với nhiều người, nhưng khi viết thư, tâm trí bạn chỉ hướng về một người duy nhất. Mình muốn gửi đi những con chữ mang thông điệp chữa lành, mang theo tình yêu để đền đáp sự đợi chờ, để khỏa lấp nỗi cô đơn mà ai đó vẫn chưa bao giờ dám nói.

P/s: Ảnh của những lá thư mà gia đình mình đã viết. Thư của mẹ, của ba, của mình và của em trai mình nữa. 

Vì theo đuổi lối sống tối giản nên mình không giữ lại bản giấy của những bức thư này. Mình scan lại và lưu những bức thư vào điện thoại, vừa dọn dẹp không gian, vừa gìn giữ kí ức. 




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mình đã ghi chép ở trường luật Luật như thế nào?

REVIEW SÁCH " HIỂU VỀ TRÁI TIM" - THÍCH MINH NIỆM

Có nên tham gia câu lạc bộ trên giảng đường đại học?