08 sự thật khi trở thành sinh viên năm nhất.

 (Viết cho tuổi 19 chông chênh giữa cuộc đời)

 

Hiểu mình là chuyến độc hành mà chỉ mình em mới có thể dấn thân và tiến bước.

 

01.Đêm muộn em gọi điện cho tôi, giọng buồn phiền: “Chị ơi, em vẫn không biết mình nên học Luật hay Báo chí?”. Ba mẹ em đều làm luật, cả hai đều thành công và cũng muốn em nối nghiệp. Bản thân em thấy đó cũng không phải lựa chọn tồi. Mà biết thế nào là tồi khi em không biết rằng thế nào là một lựa chọn tốt?

Em à, không có lựa chọn tốt hay xấu mà chỉ có lựa chọn phù hợp với em mà thôi!

 Nghề luật sư đâu chỉ là những phân cảnh trên phim khi em thấy họ bảo vệ thân chủ trước tòa. Những lời nói phản biện đanh thép, những lập luận sắc bén, phong thái chuyên nghiệp… tất cả đều là thành quả được đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí là máu và nước mắt. Đó là hằng giờ nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, đặt ra các giả thuyết khác nhau về tình huống phạm tội. Đó là sự suy xét so đo thấu tình đạt lý, là sự cân nhắc gia cảnh và thái độ của thân chủ. Từng lời nói trước tòa không phải là sự sắp xếp ngẫu nhiên theo phản xạ mà chính là kịch bản đã được chuẩn bị kì công đi kèm với sự ứng biến khi phản biện trực tiếp với Viện kiểm sát.

 Nghề viết cũng vậy. Đâu phải cứ đặt bút là em sẽ có những bài viết triệu view. Từng câu, từng chữ được kết tinh từ nước mắt, từ những đau đớn mà gạch đá ném lên mình, từ những đêm thức trắng tủi thân “Hay là thôi, mình bỏ luôn cái nghiệp cầm bút cho rồi! Viết với lách cái gì nữa”.

 Sự trưởng thành trong nghề nghiệp không xuất phát từ ánh hào quang trên sân khấu mà lặng lẽ đớn đau trong từng giây phút em phá kén để trưởng thành. Liệu em có đủ dũng cảm để chịu đựng được những khó khăn dày vò ấy?

 Chúng ta thường háo hức về viễn cảnh của sự thành công: “Ôi làm luật sư sau này đứng trước tòa ngầu nhở!”, “Thầy cãi thì xịn rồi!” hay “Sao chị viết content đỉnh vậy, em thấy viết mấy cái này dễ không, ai chẳng viết được”. Ai cũng muốn thành công nhưng khi được hỏi “Em sẵn sàng trả giá bao nhiêu để đạt đến thành công ấy?” chẳng một ai trả lời.

Khi chọn ngành, em thường hỏi: “Học cái này sau làm gì?”, “Lương có cao không?”,….Tiền hay cơ hội thăng tiến chỉ là một yếu tố ngọn của một cây hướng nghiệp. Thứ em cần quan tâm không phải là “ngọn” mà là yếu tố “ gốc rễ”: “Em có điểm mạnh gì?”, “Điểm yếu gì?”, “Em yêu thích điều gì?”, “Điều gì khiến em quên ăn quên ngủ chỉ để tò mò học hỏi và tìm hiểu về nó?”

 “Tốt cho con” là một cái cớ hoàn mĩ để ba mẹ có thể trao cho chúng ta một niềm tin rằng: “Con cứ đi đi, còn lại để ba mẹ lo”. Cứ như thế, em bước tới giảng đường trong một niềm hân hoan phấn khởi, em tin rằng tương lai đại học sẽ rực rỡ như những bộ phim Hàn quốc, với những chuyện tình drama, với những kì thi khốc liệt, với những kỉ niệm thanh xuân không bao giờ nuối tiếc… Tháng Chín em nhập học, em đến trường với niềm hạnh phúc và hân hoan, hi vọng về một tương lai tươi sáng. Thời gian thấm thoát trôi đi. Một năm. Hai năm. Và rồi, em bừng tỉnh khỏi giấc mơ. Em dần nhận ra những kì vọng màu hồng kia – bản chất chỉ là viễn cảnh mà phim truyền hình vẽ ra để mê hoặc những tâm hồn yếu đuối.

 Chúng ta đã ở bên sách vở quá lâu mà quên mất rằng tri thức chỉ là một phần rất nhỏ trên hành trình khai phá chính mình. Triết gia nổi tiếng người Hi Lạp Socrates đã từng nói: “Hãy biết mình”. Ba chữ giản đơn ấy, không phải chỉ ngày một ngày hai, không phải dựa vào những bài test trắc nghiệm tính cách nghề nghiệp mà em có thể hiểu về. Hiểu mình là chuyến độc hành mà chỉ mình em mới có thể dấn thân và tiến bước.

 

02. Đã bao lâu em sống trong vòng tay của bố mẹ?  Là chuỗi ngày ngồi sau lưng ba chạy xô đến những lớp học thêm chen chúc trong cảnh tắc đường ngột ngạt, là những bữa cơm bày sẵn do mẹ chuẩn bị vội vã chờ em tan ca cuối. Em phải rời xa chốn thân thuộc ấy, phải dứt bỏ nguồn sinh khí mà em cho là hiển nhiên. Em sẽ hiểu thế nào là cô đơn khi ở trong phòng trọ lạ lẫm không phải nhà mình. Sẽ không còn cơm canh bày sẵn, không còn bàn tay ai chăm sóc em những ngày ốm nặng… Sẽ chỉ còn những gói mì tôm nhạt nhẽo những ngày cuối tháng, sẽ chỉ còn nỗi đơn côi gặm nhấm trái tim em vừa háo hức vào đời.

 

Lê từng bước chân mệt mỏi, em khóa trái cửa phòng, ngồi sụp xuống với một cụm mây xám lửng lơ lúc nào cũng chỉ trực chờ đổ xuống những giọt nước mắt. Tôi từng đọc trên mạng một câu chuyện nhỏ, đại ý là “Con chim có thể yên tâm đứng vững trên cành cây, không phải vì nó tin rằng cành cây luôn vững chãi, mà vì nó tự tin vào đôi cánh của chính mình”. Bão giông có thể làm gãy cành cây, mối mọt cũng có thể làm thân cây mục ruỗng. Nhưng nếu đôi cánh của em đủ vững, dù sóng to gió lớn thế nào, nhất định em sẽ đủ mạnh mẽ để vượt qua.

 

03.Em sẽ quen dần với thực tế.

Rằng, ngành học của em không mĩ miều như những lời quảng cáo trên fanpage của nhà trường: Cơ hội nghề nghiệp, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất,…Học đại học giống tình yêu ở chỗ: khi em bắt đầu yêu, tất cả những khuyết điểm của đối phương đều trở thành màu hồng lãng mạn. Càng về sau, khi tỉnh ngộ trong sự phũ phàng, em cảm thấy lạc lõng trước câu hỏi: “Tại sao mình lại học ngành này, tại sao mình lại có mặt ở đây?”. Rằng, công việc làm thêm không hề nhẹ nhàng như em tưởng, những ngày đầu làm phục vụ, em lóng ngóng làm rơi chén đĩa, khoản tiền bồi thường bằng cả tháng lương. Những ngày đầu đi trợ giảng, em lúng túng không biết bắt chuyện với học sinh như thế nào. Cuộc gọi telesale đầu tiên cho khách chốt đơn, trán em lấm tấm mồ hôi vì căng thẳng…Ai cũng sẽ cần những lần đầu tiên để lớn. Trốn chạy thì thật dễ nhưng đối diện với vấn đề mới là điều em cần phải học.

 

04.Em sẽ quen dần với áp lực.

Đó là sức ép của bài vở, trường lớp, đó là sự đố kị của ai kia, lời ra tiếng vào của một người giấu giếm sau lưng điều gì đó. Bờ vai em căng lên như để gồng gánh tất cả những bổn phận phải làm tròn. Em không muốn ba mẹ vất vả, em không muốn người ngoài đánh giá mình thấp kém, em muốn mình phải xinh, phải giỏi, phải năng nổ hoạt động ngoại khóa nhiệt tình…Những điều em “muốn” và “không muốn” cứ văng vẳng vào giấc mộng mỗi đêm. Những kì vọng như sợi dây thừng siết chăt, chặt dần, chặt dần… cho đến một ngày kia em cảm thấy ngộp thở và mất đi niềm tha thiết sống.

 

05. Em sẽ quen dần với nỗi nhớ.

Là hình ảnh của ai kia khiến em trằn trọc nhớ về, là những xuyến xao khi chờ đợi tin nhắn trả lời qua inbox, là một chút son môi khi em bắt đầu ý thức vẻ dẹp của mình. Đó còn là cái ôm của mẹ, bờ vai của ba, là tất cả những mảnh kí ức gia đình đã được em giữ gìn cẩn thận nơi tâm trí.

 

06. Em sẽ quen dần với sự so sánh.

Bằng tuổi em, có những bạn đã thi hoa khôi, thủ khoa khối A, B, C hay tham gia những kì thi lớn đem về cho nước nhà huy chương vàng Olympic,… Em choáng ngợp trong ánh đèn sân khấu của những người ưu tú, hoang mang tự hỏi: “ Không biết mình có sinh nhầm thời không? Mười tám năm qua, mình chỉ ăn với học, ngần này tuổi vẫn chưa làm được gì cho xã hội”

Hoang mang. Lo lắng. Em bắt đầu tìm mọi cách để trở thành người mà-ai-cũng-yêu-mến. Lục tung facebook, insta, em tìm kiếm những stylish thanh lịch, đọc những bài báo kiểu như “Làm sao để trở nên nổi bật trong mắt người đối diện? Làm sao để giao tiếp tốt? Làm sao để trở nên thu hút ngay từ ánh nhìn đầu tiên?... Em theo dõi nhiều KOLs, diễn giả truyền cảm hứng, để rồi khi buông điện thoại ra, ánh mắt em thẫn thờ vì bất lực.


07.Cuộc sống có màu hồng như em nghĩ không? Tôi viết ra những dòng này không phải vì muốn em sợ hãi và lo lắng. Việc chuẩn bị tâm thế để đối mặt với nỗi đau là điều cần thiết để em có thể tôi luyện bản lĩnh của chính mình. Đừng nghĩ rằng có ba mẹ chu cấp, em sẽ sống yên ổn qua quãng đời sinh viên. Sự ổn định an toàn luôn là nơi chất chồng hiểm nguy mà em chẳng hề hay biết. Người ta hay nói: “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, nhưng cuộc sống sẽ ra sao nếu chúng ta không có những lo lắng để nhớ về.  Ba mẹ lo em sống một mình vẫn ổn chứ? Con cuối tuần có về nhà không? Em lo bài luận ngày mai dở dang chưa hoàn thành ? những deadline của công việc và dự án...Nỗi lo lắng vừa đủ sẽ thúc đẩy chúng ta kiếm tìm giải pháp thay vì ngồi đó kể lể, khóc than.

 

Còn nhớ, khi tôi chập chững bước vào năm nhất, “thoải mái”, “tự do” là hai cụm từ tôi dùng để miêu tả về giai đoạn này. Tôi háo hức đi thuê nhà, sắp xếp đồ đạc theo ý mình, tự dưng cảm thấy mình như một nô lệ bị xiềng xích bấy lâu đứng dậy làm chủ cuộc đời sau Cách mạng tháng Tám. Những tưởng niềm hạnh phúc sẽ được thỏa mãn dài lâu nhưng chỉ một thời gian sau, tôi rơi từ chín tầng mây xuống thẳng mặt đất thực tại. Cú ngã đau điếng khởi phát khi tôi không thể quản trị tốt thời gian của mình. Có quá nhiều việc phải làm: chuyện sinh hoạt, chuyện học hành, chuyện dự án, đi làm thêm, còn chưa kể là những buổi café tán gẫu, tâm sự tuổi hồng…Việc học của tôi vẫn ổn nhưng tôi không có thời gian chăm sóc bản thân. Thức khuya, đồ ăn nhanh, không có thời gian vận động, tôi đã lo quá nhiều chuyện bao đồng mà quên mất rằng bản thân tôi mới chính là người cần được chăm sóc. Em à, dù có bận đến mấy, đừng bao giờ bỏ bê cơ thể mình. Đừng vật vã vì một mối tình không đâu mà bỏ bữa, thức khuya. Đừng vì một lời nói khen chê mà buồn vui cả ngày. Đừng giả vờ mạnh mẽ mà em quên mất đặc quyền của mình, đó là  “Em được khóc”. Dù là con trai hay con gái, hãy để nước mắt rơi nếu đó là điều trái tim em mách bảo. Tôi không cấm em khóc, hãy khóc cho thỏa nỗi lòng, hãy khóc để cuốn trôi tất cả những tủi hờn, uất ức. Em không làm gì sai cả. Nước mắt sẽ khiến tâm hồn em trở nên bình ổn và thanh khiết hơn.

 

Nếu được chọn lại từ đầu, tôi vẫn muốn được trải nghiệm lại năm nhất đầy sóng gió. Nhờ có tổn thương mà tôi biết xây dựng hệ tiêu chí để chọn lọc mối quan hệ xung quanh mình. Nhờ những người nói xấu sau lưng mà tôi càng thấm thía giá trị nội tại mà mình đang có. Chúng ta không thể đi giải thích với cả thế giới rằng: “Tôi là người tốt, tôi không phải là loại người mà các bạn nghĩ đâu”. Mất công làm gì khi em chẳng thể làm vừa lòng người khác. Câu trả lời tốt nhất mà em dành cho những-người-không hiểu-em đó là HÀNH ĐỘNG và KẾT QUẢ. Ai đó nói rằng: “Kết quả không quan trọng, quan trọng là quá trình”. Tôi đồng ý một phần, nhưng khi em có kết quả, người khác sẽ nể em và lắng nghe những gì em nói.

 

08. Thay phần tạm kết, tôi muốn gửi tặng em hai lời dặn dò nho nhỏ:

Thương yêu là khả năng chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng… Nếu mình không khởi phát được năng lượng đó cho chính mình, nếu mình không chăm sóc được mình, không nuôi dưỡng đưỡ mình, không bảo hộ được mình, thì khó mà chăm sóc cho kẻ khác” – Thích Nhất Hạnh –

" Ký ức đau buồn. Ký ức khiến ta hối hận. Ký ức mình bị tổn thương và làm người khác tổn thương. Ký ức bị bỏ rơi và quay lưng. Chỉ có ai sống với ký ức được chôn chặt trong tim như vậy mới mạnh mẽ hơn, cuồng nhiệt hơn và dễ thay đổi cảm xúc hơn. Chỉ những kẻ như vậy mới hạnh phúc. Vì vậy, đừng cố quên mà hãy vượt qua nó. Nếu không thể vượt qua thì ngươi chỉ là một đứa trẻ có tâm hồn chưa lớn mà thôi."

-    Lời thoại trong phim “It’s okay but not be okay”  -

Nếu có một ngày mưa làm tâm hồn em mỏi mệt, hãy đọc lại bài viết này để tiếp thêm một chút hứng khởi ngày mới!

Mong em đừng mất đi niềm tin bởi chúng ta không thể ước rằng sẽ không còn khó khăn phía trước. Hãy ước rằng em có thể chân cứng đá mềm, đạp bằng mọi khó khăn để gặp gỡ chính mình ở một phiên bản rực rỡ nhất.

 

Ngày ấy sẽ đến. Tôi sẽ chờ em.

-------------------

Ảnh: Pinterest




Nhận xét

  1. Đúng lúc em đang băn khoăn gặp đúng bài này ạ , em hiểu giờ mình nên làm gì rồi

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

REVIEW SÁCH " HIỂU VỀ TRÁI TIM" - THÍCH MINH NIỆM

Có nên tham gia câu lạc bộ trên giảng đường đại học?

Mình đã ghi chép ở trường luật Luật như thế nào?