Chánh niệm bảo toàn năng lượng? Mình học được gì từ chánh niệm (phần 01)





00. Chánh niệm là chủ đích tập trung hoàn toàn vào những gì đang xảy ra xung quanh bạn và bên trong bạn - trong thân, tâm và trí của bạn. Chánh niệm là nhận biết mà không chỉ trích hay phán xét. 

01.Tâm thức chúng ta có thể đạt được ba trạng thải trong ba thời điểm nối tiếp: Quá khứ, hiện tại và tương lai.

02.  Chúng ta có năng lực hồi tưởng về kí ức trong quá khứ, những sai lầm, thất bại và khổ đau… năng lực ấy tích cực ở chỗ, chúng giúp ta tĩnh tâm và có thời gian để nhìn nhận sai lầm và rút ra bài học. Tuy nhiên, đa số chúng ta lại tua đi tua lại những kí ức buồn đau ấy để tiếc nuối và đổ lỗi cho bản thân trong quá khứ “Giá mà lúc ấy mình chăm học hơn thì sao nhỉ?”, “Giá mà lúc ấy mình không to tiếng với anh ấy?”, “Giá mà lúc ấy mình không vô tâm đến vậy!”… Dù bạn có nói đi nói lại mẫu câu “Giá mà” bao lần đi chăng nữa, quá khứ vẫn là điều bạn không bao giờ có thể thay đổi được.

03. Chúng ta có năng lực tưởng tượng và hình dung ra viễn cảnh trong tương lai. Tưởng tượng là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo và đột phá, tuy nhiên chúng ta cần phân biệt giữa mơ mộng hão huyền khác xa với hoạt động sáng tạo mang tính định hướng. Nghĩ về tương lai có thể đem lại cho bạn nỗi sợ hãi, nếu mình làm thế này, điều gì sẽ xảy ra? có ai đó sẽ nói mình dở hơi, bố mẹ chắc chắn sẽ phản đối mình, làm sao mà có đủ tiền đầu tư cho dự án cơ chứ?...Nỗi sợ sẽ khiến bạn quên mất rằng hiện tại bạn chưa có gì trong tay và bạn chưa bắt đầu làm bất cứ một điều gì cả, nó kéo bạn khỏi thực tại và khiến bạn lo lắng về những rủi ro chưa chắc đã xảy ra. Tất nhiên, cân nhắc và đo lường nguy cơ là điều cần thiết nhưng nếu bạn cứ tập trung vào vấn đề, vấn đề mãi mãi chỉ là vấn đề mà thôi!

04. Khi tâm thức của bạn liên tục dịch chuyển từ quá khứ đến tương lai và lặp đi lặp lại lộ trình này, bạn cảm thấy mình vừa tiếc nuối những gì đã qua nhưng lại sợ hãi với những gì sắp đến. Tâm thức của bạn sẽ mệt mỏi vì tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho những điều không thể thay đổi ( trong quá khứ) và những điều không biết có xảy ra hay không (ở tương lai)? Vậy làm sao để tâm thức được nghỉ ngơi? Nơi an trú tốt nhất của bạn lúc này, chính là khoảnh khắc hiện tại. Thực hành chánh niệm sẽ giúp chúng ta không lãng phí năng lượng của mình ở tương lai hay quá khứ, năng lượng của bạn cần phải tập trung ngay tại đây, ngay trong giây phút này.

05. Đức Phật đã so sánh việc điều chỉnh tâm thức giống như thuần phục một chú voi hoang dã thời xưa. Voi chưa được thuần phục thường hung dữ, phá hoại mùa màng, thậm chí là tấn công con người. Tâm thức cũng vậy, khi đang ở trạng thái hỗn loạn thất thường, tâm thức có thể gây tổn hại cho chính ta và những người xung quanh ta. Chánh niệm sẽ giúp ta thuần hóa được tâm thức, để nó có thể khai thác hết sức mạnh nội tại của mình.

 Voi hoang dã có nhiều thói quen hoang dã chúng sẽ bỏ chạy khi con người đến gần, nó tấn công khi cảm thấy không an toàn và sợ hãi, tâm thức của chúng ta cũng vậy, khi bạn cảm thấy lo lắng và sợ hãi, bạn sẽ có xu hướng trốn tránh và không chấp nhận thực tại, thậm chí bạn cảm thấy tức giận và chống đối khi mọi việc không nằm trong tầm kiểm soát của mình.

 Voi cũng được thuần phục để chiến đấu nơi sa trường, những chú voi bản lĩnh cần phải tuân lệnh chủ và được rèn luyện sự dũng cảm và bản lĩnh. Bạn thử tượng tưởng một chú voi nhà hiền khô ra chiến trận, thấy cách đâm chém và hồn loạn nên sợ quá bỏ chủ đi về?  Tâm thức của chúng ta cũng cần được điều phục để đạt được trạng thái yên tĩnh trước mọi biến cố và thay đổi của cuộc sống. Khi có đủ bản lĩnh và tự tin, chúng ta sẽ không tìm cách trốn chạy khỏi những khó khăn hay đau khổ, chúng ta sẽ học cách chấp nhận rằng đó là một phần của cuộc sống.

 




                                                            Ảnh: jasminebylund

  Đọc thêm bài viết của mình tại: 

  https://www.facebook.com/lilytruongnguoigochu


                                                                                                                                       

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

REVIEW SÁCH " HIỂU VỀ TRÁI TIM" - THÍCH MINH NIỆM

Có nên tham gia câu lạc bộ trên giảng đường đại học?

Mình đã ghi chép ở trường luật Luật như thế nào?