Có nên tham gia câu lạc bộ trên giảng đường đại học?

 

CÂU LẠC BỘ -  ĐẠI LỘ DẪN ĐƯỜNG?   

 

     01. Hồi năm nhất, tôi hân hoan khi nhận được giấy báo trúng tuyển của trường. Niềm vui ấy khiến tôi tham gia một số hội nhóm trên facebook, lục lọi mấy bài review về mẹo học tập, “Làm sao để sống sót qua môn?”, “Làm sao để không chết chìm trong Lí luận và Hiến Pháp?”, “Có nên tham gia câu lạc bộ A,B,C?”,”Có nên đăng kí môn của thầy cô X,Y,Z…”. Có một vấn đề là, khi đọc đến danh mục các Câu lạc bộ trong trường, mình cảm thấy hoang mang khi nhìn một danh sách dài đến 20, 30 câu lạc bộ trải dài trên các lĩnh vực khác nhau.

Bạn thấy cảm giác này quen không? Có khác gì cảm giác lo sợ khi bạn nhìn danh sách hàng chục trường đại học mà không biết chọn trường nào? Trong trường lại chia nhỏ thành các chuyên ngành. Gì đây? Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế… Nghe ngầu thế nhỉ? Thôi chọn đại đi vậy!

02. Khi thờ ơ chọn đại một điều gì đó mà không có tiêu chỉ, bạn sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường. Lấy ví dụ như trong tình yêu, bạn quá chán với cảnh cô đơn và chỉ muốn vớ tạm một người để yêu đương tạm bợ. Bạn được và mất gì từ mối quan hệ chông chênh ấy? Bạn chọn một trường, một ngành mà chẳng biết lí do tại sao, bạn có đảm bảo rằng tương lai bạn sẽ làm nghề, gắn bó và sống chết vì lí tưởng của ngành học đó. Trở lại với câu lạc bộ, bạn tham gia mà không hiểu lí do vì sao mình tham gia, mình có thể học được gì, trở thành con người như thế nào?

     03. Khủng hoảng của sự lựa chọn.

Thế hệ Z là thế hệ của sự lựa chọn. Chúng ta không hiểu được thế nào là sự thiếu thốn như các thế hệ đi trước như gen X, gen Y. Khủng hoảng mà gen Z phải đối mặt đó là sự quá tải lựa chọn. Vì vậy, chọn lọc có chủ đích là yếu tố cần để xem xét trước khi em dấn thân vào cuộc hành trình.

04. Trả lời câu hỏi ở đầu bài. Câu trả lời là Có. Vì:

     Khi tham gia câu lạc bộ em sẽ được:   

    + Phát triển bản thân: Về thái độ, về kĩ năng. Hiển nhiên rồi, em không biết, không sao cả, cứ hỏi, sẽ có người trả lời. CHỉ sợ em ngại không dám hỏi và hãy nhớ “Ngại là cái dại đầu tiên”. Các anh chị sẽ dẫn dắt và chỉ bảo em từng kĩ năng cần thiết. Từ cách dùng google drive quản lý dự án cho đến cách kết nối với mọi người…  .

    + Mở rộng mối quan hệ: Em sẽ quen với nhiều tiền bối, hậu bối thậm chí là các bạn đồng môn, các thầy cô trong trường…

    + Được thể hiện bản thân: Em có năng khiếu sở trường, như đàn, hát, vẽ tranh, design….bất cứ thứ gì, em đều có thể được phát huy và duy trì những tài năng ấy.

    …. Còn nhiều lắm nên tôi để ba chấm ở đây để em điều vào nhé!


KHOAN ĐÃ… LIỆU EM CHỈ CÓ ĐƯỢC MÀ KHÔNG MẤT?

Em sẽ mất thời gian, tiền bạc, công sức, thậm chí là sức khỏe của mình.

     05. Trả lời cậu hỏi “Có nên tham gia Câu lạc bộ trên giảng đường đại học không?”.

Câu trả lời là Không. Vì:

Lựa chọn một câu lạc bộ giống như bạn đang lựa chọn một công ty để ứng tuyển và làm việc tại đó. Nhiều bạn cứ chọn bừa, chọn đại Câu lạc bộ như cái cách mà các bạn điền nguyện vọng một cách vô tâm, rồi đến khi than thân trách phận, không biết ai đang làm khổ mình.

 Năm nhất đại học, tôi rơi vào vòng xoáy ôm đồm khi tham gia một lúc 04 câu lạc bộ. Sở dĩ khi đó tôi không biết mình thích gì, muốn gì, mà chỉ đơn giản là muốn làm dày bảng thành tích cá nhân. Những buổi họp dông dài thiếu tập trung, mọi người đến họp ban mà nội dung training thì không thấy, thời gian cứ thế trôi qua theo những câu chuyện tán gẫu nửa vời. Những buổi tụ tập đi ăn đến 02,03 giờ sáng,  tôi lê từng bước chân mệt mỏi về nhà. Cái giá phải trả là sức khỏe có đáng để tôi đánh đổi lấy hai từ “kinh nghiệm” và “kiến thức”?

 Đợt Tết tôi về quê, đang ngồi rửa bát với cô em họ. Em ấy cũng là sinh viên năm hai của trường kinh tế có tiếng ở Hà Nội. Tôi hỏi em “Dạo này em học hành thế nào?”. Em cười buồn nói: “Việc học của em ổn, nhưng em khá mệt mỏi với chức Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Sách chị ạ?”.

Tôi hỏi em: “Tại sao?”. Em chỉ nói: “Từ khi anh chủ nhiệm mới lên, em cảm giác như mình không được tôn trọng. Anh ấy độc đoán, không hề xin phép hay hỏi han ý kiến đóng góp của em và các bạn. Mọi thứ nhất nhất phải theo ý anh ấy. Anh ấy bỏ lơ góp ý của em, không quan tâm đến việc em đã cẩn thận thu thập thông tin và chăm sóc nhân sự khó khăn như thế nào? Em đã đối thoại nhiều lần mà anh ấy không hiểu… Chị xem. Đến ngày 30 Tết mà anh ấy còn giao deadline bắt em làm cho xong, thật không còn gì để nói…”. Giọng nói em nhòe đi theo giọt nước mắt. Tôi ôm lấy em mà không nói gì cả. Thì ra lên thành phố, em của tôi đã phải chịu nhiều oan ức mà tôi không hề hay biết. Tôi không trách em, tôi hiểu nỗi đau này là điều em không hề mong đợi. Một người leader mà lại để đồng đội rơi nước mắt vì mình, thật không xứng đáng!

Tối ấy, tôi thấy em hì hụi viết gì đó đến 12 giờ, tôi tưởng em làm bài tập hóa ra em đang viết đơn xin phép rời Câu lạc bộ. “Chị biết không? Trò chuyện với chị xong, em cảm thấy nhẹ lòng biết mấy, em đã mang theo quá nhiều tổn thương khiến trái tim mình nặng trĩu. Một năm là quá đủ. Em đã viết đơn kèm theo lời cảm ơn chân thành. Cảm ơn chị đã giúp em nhận ra, không bao giờ là quá muộn để buông bỏ một điều gì đó. Khi không còn phù hợp nữa, việc níu giữ ở lại bên nhau chẳng có nghĩa lí gì”.

Em giống tôi. Đã dám dũng cảm để từ bỏ những thứ không còn thuộc về mình. Sau một khoảng thời gian không thể tìm kiếm cho mình một lãnh địa phù hợp, tôi đã chủ động kiếm tìm một môi trường khác và thật may mắn khi tôi được gia nhập cộng đồng Viết lách mỗi ngày, Spiderum,…-nơi tôi có thể thỏa mãn với việc viết mà vẫn được kết nối với cộng đồng riêng của mình Không có ai lạc lõng cả chỉ là em có dám lên đường để dấn thân tìm kiếm mảnh đất thuộc về mình thay vì chỉ ngồi đó chờ đợi trong sự mung lung lạc lối.

 

     06. Làm sao để kiếm tìm thánh địa của riêng mình?

Xác định hệ tiêu chí

Để thành công, ngoài những yếu tố nội tại và sự nỗ lực của bản thân, việc tìm kiếm một môi trường tốt, một người thầy tốt cũng quan trọng không kém. Mentor của tôi đã từng hỏi tôi rằng:” Điều gì khiến em gắn bó và ở lại lâu dài với một tổ chức?”

Nếu em đến vì kiến thức thì khi có kiến thức, em sẽ ra đi

Nếu em đến vì kĩ năng, khi có kĩ năng, em sẽ rời bước.

Nếu em đến vì kinh nghiệm, khi có kinh nghiệm em sẽ dần thoái lui.

Em đến vì cái gì, em sẽ ra đi vì cái đó.

Chỉ khi em đến bằng hệ giá trị, em mới có thể gắn bó lâu dài.

Ví dụ: Hệ tiêu chí của em là phát triển bản thân, nhiệt tình, thấu hiểu.

Sứ mệnh của Câu lạc bộ có đáp ứng được tiêu chí ấy không?

Em có thể đăng kí tham gia một thời gian để thử nghiệm, giống như khi đi làm em sẽ có khoảng thời gian ba tháng thử việc để xem mình có hợp với văn hóa doanh nghiệp không? Nếu cảm thấy nơi đây không phù hợp, hãy mạnh dạn xin out.


Xác định mục tiêu rõ ràng

Em đến câu lạc bộ để làm gì?

Để trải nghiệm, để phát triển bản thân, để giao lưu kết bạn với các anh chị, hay chỉ đơn giản là để vui….Việc xác định mục tiêu rõ ràng sẽ giúp em không lãng phí thời gian cho những việc không cần thiết. Tham gia câu lạc bộ gần như là ý thức tự nguyện, em không phải chịu trách nhiệm về bất cứ ràng buộc nào trừ những nội quy của tổ chức.

Quy trình tuyển thành viên của câu lạc bộ thường trải qua các vòng như sau:

     01. Vòng đơn (Form Application): Đây là vòng sơ bộ ban đầu, các em sẽ điền những thông tin cơ bản giống như gửi CV đến nhà tuyển dụng. Đây cũng là bức chân dung đầu tiên em tự vẽ nên để nhà tuyển dụng có một cái nhìn tổng quan chung nhất về em.

Có nhiều bạn hỏi tôi rằng: “Em không có kinh nghiệm làm dự án trước đây thì có apply được không ạ?” và câu trả lời là “có”. Em thử nghĩ xem nếu ai ai cũng kinh nghiệm đầy mình, thì câu lạc bộ sinh ra để làm gì nữa? Yên tâm là sẽ luôn có dự án phù hợp với em, với những newbie với con số không kinh nghiệm. Chỉ cần em có thái độ cầu tiến và học hỏi, một trái tim nhiệt thành không sợ thử, sợ sai. Cơ hội sẽ luôn mở cửa chờ em đó!

Tôi còn nhớ một câu chuyện của V- bạn của tôi, Cô ấy có học lực xuất sắc, gần như mẫu hình “con nhà người ta” ngoài đời thực. Thời điểm đó có một dự án nước ngoài mà cô ấy rất muốn tham gia, nhưng chỉ để vòng ba (teamwork) cô đã phải từ bỏ ước mơ. Em thấy đấy, nhà tuyển dụng sẽ không tuyển người giỏi mà họ cần người phù hợp. Các anh chị phỏng vấn có nói với V rằng: “Anh thấy năng lực của em rất tốt, học vấn, kĩ năng gần như hoàn hảo,  nhưng điều anh lo lắng là khoảng cách giữa em và các thành viên quá xa, nếu anh nhận em : em có thể chấp nhận bước chậm lại để nâng đỡ các thành viên khác ?”. Tôi biết, V là một người mạnh mẽ, cô ấy luôn muốn đương đầu thử thách và đón đầu sự mới mẻ. Việc chậm lại để đợi chờ là điều không thể, vì vậy cô ấy đã chủ động rời đi. Mặc dù rất buồn nhưng sau đó V đã đạt học bổng toàn phần để chuẩn bị du học. Sự phù hợp mới chính là yếu tố cần để em quyết định xem có nên chọn hay không chọn một điều gì đó.

     02. Vòng phỏng vấn (Interview):

     Sau khi vượt qua vòng đơn, phòng phỏng vấn thường là cửa ải mà nhiều bạn cảm thấy ngại ngùng và lo lắng nhất. Em chỉ cần nghĩ đơn giản răng: “Phòng vấn là để nhà tuyển dụng hiểu em hơn, họ không chỉ nhìn thấy em trên bản CV hay form đơn nữa mà sẽ được nhìn thấy em ngoài đời thực. Họ muốn lắng nghe em nói, trao đổi và thảo luận cùng nhau. Tôi luôn coi phỏng vấn là một buổi trò chuyện thân tình, nơi em có cơ hội để thử sức xem liệu mình có phù hợp với Câu lạc bộ hay tổ chức này hay không?

     03. Vòng teamwork/challenge: 

     Em cứ nghĩ đơn giản đây là vòng thử việc, tuy nhiên giai đoạn này chỉ kéo dài từ 01-02 tuần, thậm chí là một tháng tùy vào ban tổ chức. Các em sẽ chạy thử một dự án mini và teamwork dưới sự hỗ trợ của các mentor được phân công. Tôi rất thích vòng này, bởi lẽ các em sẽ thực sự được làm việc, tranh luận, thậm chí là đụng độ quan điểm. bài toán đặt ra là làm sao để có thể thống nhất ý tưởng và khiến cả team cùng dốc sức đồng lòng. Mục tiêu của vòng này là thử nghiệm thái độ, năng lực phối hợp đồng đội, dung hòa xung đột để xem các em có thể xử lý đến đâu.

 Khi không biết mình thích gì, giỏi ở ban nào, tôi sẽ làm thử tất cả các ban. Có những dự án tôi làm nội dung, có những dự án làm ban truyền thông, có những dự án làm đối ngoại…Sau một khoảng thời gian, tôi nhận ra mình là người luôn đầy ắp ý tưởng, yêu thích sáng tạo và tự do nên sẽ phù hợp với Nội dung và Truyền thông nhất.

Không có câu lạc bộ hoàn hảo, không có môi trường hoàn hảo vì chúng ta chỉ là những con người mang theo nhiều thiếu sót. Chúng ta chỉ có thể học cách thay đổi và thích nghi, ứng xử phù hợp khi hoàn cảnh xảy đến với mình.

Đừng tham gia câu lạc bộ chỉ vì lấy certificate- nó chỉ là tờ giấy xác nhận em đã tham gia hoạt động nào đó mà thôi. Đừng học đại học chỉ vì tấm bằng- vì đó cũng chỉ là tờ giấy xác nhận em đã học ở một ngôi trường nào đó. Hãy tham gia câu lạc bộ vì đó là điều em muốn. Vì nếu không thử thì em không thể nào biết được sở trường của mình là gì?

Ảnh: Pinterest



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mình đã ghi chép ở trường luật Luật như thế nào?

REVIEW SÁCH " HIỂU VỀ TRÁI TIM" - THÍCH MINH NIỆM