Mình nghĩ gì khi đọc “Hãy chăm sóc mẹ” – Shin Kyung Sook

Trong cuộc sống, có những điều chúng ta coi là hiển nhiên. Giống như khi tỉnh dậy, ba mẹ sẽ luôn ở bên ta như ánh mặt trời luôn tỏa rạng sau đêm tối. Với tôi, gia đình không chỉ là bến bờ hạnh phúc mà còn là nơi chứng kiến những đổ nát, đau thương. Tại sao chúng ta luôn muốn theo đuổi một mẫu hình về một gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc? trong khi để có được hạnh phúc chúng ta cần có những rạn nứt, hiểu lầm.

Tôi đọc cuốn sách vào một ngày cuối tháng Tám, khi mẹ tôi đang ở cơ quan trực vì chống dịch. Đọc từng dòng từng chữ, tôi cảm thấy xấu hổ vì bản thân mình biết bao, những quan tâm nhỏ nhặt của mẹ, những tin nhắn, những cuộc gọi mà có khi tôi bận chẳng thèm nghe máy. Liệu tôi có phải hối hận giống như nhân vật Chihon vì mải mê sự nghiệp mà đã quên mất sự săn sóc của mẹ mỗi ngày. “Xưa nay, cô luôn là người cúp máy trước.Trước khi cúp máy, cô thường nói với mẹ rằng sẽ gọi lại cho mẹ sau nhưng rất nhiều lần cô đã không gọi lại. Cô không có thời gian để ngồi nghe hết những lời mẹ muốn nói”

Truyện mở đầu bằng một câu trần thuật đơn giản “Mẹ đi lạc mất một tuần”. Mẹ đã lạc ở đâu? Tại sao mẹ lại đi lạc? Tôi đã bị cuốn theo câu hỏi tò mò ấy. Thì ra mẹ cùng bố lên ga Seoul để tổ chức sinh nhật cùng các con. Đáng lẽ ra các con sẽ tổ chức sinh nhật riêng cho bố và mẹ nhưng vì hai ngày sinh khá gần nhau và để tiện đi lại, các con đã thống nhất tổ chức chung cho hai người. Trong lúc đoàn tàu chuẩn bị lăn bánh, tay bố đã tuột khỏi tay mẹ. Bố cầm luôn chiếc túi mà mẹ để điện thoại trong đó…

Mẹ bị lạc. Mẹ đâu biết rằng, mấy anh em đã cãi nhau, đổ lỗi cho nhau “Tại sao anh lại không đi đón mẹ?”, “Còn cô, cô ở đâu?”, “Tất cả những gì chúng ta có thể làm là đăng tin trên báo sao?”, “Thế cô muốn làm gì nữa, tất cả chúng ta phải bỏ việc để đi lục tung mọi ngõ ngách trong thành phố này lên chắc? Nếu làm được như vậy mà tìm được mẹ thì tôi đã làm”

 

“Có những khoảnh khắc mà người ta thường suy ngẫm lại sau khi có việc gì đó xảy ra, nhất là sau khi chuyện không may xảy ra”

 

Hành trình không hồi kết

 “Tên: Park So-nyo

Ngày sinh: 24 tháng 07 năm 1938 (69 tuổi)

Hình dáng: Tóc muối tiêu ngắn, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be.

Địa điểm bị lạc: Ga tàu điện ngầm Seoul”

 

Đó là nội dung tờ rơi mà các con của mẹ đã rong ruổi khắp nơi và dán trên các cột điện và bảng tin trong thành phố. Các con của mẹ có anh cả Hyong-chol, con gái thứ Chihon và cô con gái út. Chỉ cần nhận được tin nhắn từ bất kì ai, mấy anh em lại nuôi hi vọng và đến tận nơi người báo tin để kiếm tìm. Thật đáng tiếc, câu trả lời mà các con nhận lại chỉ là “Tôi thấy bà ấy cách đây, một tuần, hai tuần trước, thậm chí là cả tháng trước. Bây giờ mẹ đang ở đâu?

 Tôi cảm nhận được sự mệt mỏi trong ánh mắt của người anh trai, sự lê bước nặng nề trong bước chân của người con gái. Trong cái rét căm căm của thành phố, tuyết rơi, gió thổi, liệu rằng mẹ có thể đi đâu với chứng đau đầu kinh niên và mất trí nhớ?

 Tôi tự hỏi: “Mình có giống những người con ấy. Đã từng nhận quá nhiều ân tình của mẹ để rồi coi đó là chuyện hiển nhiên?”.

Lời xin lỗi của mẹ khi người con cả mua nhà mới “Hyong-chol à, mẹ xin lỗi vì chẳng giúp gì được cho con” làm tôi nhớ mãi. Mỗi lần lên thành phố, mẹ đều khăn gói những thứ lỉnh kỉnh và thức ăn cho các con, nào là các loại dưa muối, kim chi, hạt sấy khô, nào là các loại bột nghiền…Ấy vậy mà cô con gái Chi-hon lại có thể thốt ra những lời khiến trái tim mẹ buồn biết mấy: “Mẹ đừng làm bánh gạo nữa, con để nguyên từ ba năm trước trong tủ lạnh còn chưa ăn hết”. Mẹ buồn nhưng không nói, chỉ biết công sức xay từng hạt gạo, giã từng cối nếp chẳng còn ý nghĩa gì. Mẹ cả đời vất vả chỉ mong các con được lên thành phố, vậy mà con gái lại quên mất rằng : mẹ của cô không biết đọc.

 

Mẹ có thích vào bếp không?

Cô tưởng rằng mình hiểu mẹ, nhưng thực ra cô không biết gì về mẹ cả.

Mẹ không thích bếp núc.

Vậy mà cô vẫn nghĩ: “Mẹ là bếp và bếp là mẹ”. Sẽ ra sao nếu hình dáng mẹ không gắn liền với căn bếp nhà.

Mẹ đã trả lời cô, câu trả lời khiến tôi nhớ đến mẹ của mình:

Mẹ không nghĩ đến chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi đi học. Làm sao mà ta chỉ có thể làm những việc mà mình thích được chứ?....Công việc bếp núc không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Ta ăn sáng rồi ăn trưa rồi ăn tối rồi khi trời sáng lại ăn sáng…Khi cứ làm thế hết lần này tới lần khác, sẽ có những lúc ta thấy thật sự ngán ngẩm.”

 

Họ giống tôi. Đều là những người trẻ đã từng quên mất rằng : Có mẹ ở bên chính là một niềm hạnh phúc.

 


Ảnh: mucmocmeo


 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mình đã ghi chép ở trường luật Luật như thế nào?

REVIEW SÁCH " HIỂU VỀ TRÁI TIM" - THÍCH MINH NIỆM

Có nên tham gia câu lạc bộ trên giảng đường đại học?